image banner
LỄ HỘI RƯỚC KIỆU ĐỀN BÀ TRIỆU – PHỦ TÍA XÃ VÂN SƠN
LỄ HỘI RƯỚC KIỆU ĐỀN BÀ TRIỆU – PHỦ TÍA XÃ VÂN SƠN TÔN VINH ANH HÙNG DÂN TỘC TRIỆU THỊ TRINH
Anh-tin-bai

I. KHÁI QUÁT VÙNG ĐẤT VÂN SƠN, HUYỆN TRIỆU SƠN, THANH HÓA

Vân Sơn là xã thuộc vùng bán sơn địa, là xã cửa ngõ phía tây của huyện Triệu Sơn, cách trung tâm kinh tế, chính trị huyện 3 km phía Tây – Nam, cách thành phố Thanh Hóa gần 20 km về phía tây (tính theo đường chim bay).

Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp xã An Nông

                    Phía Đông giáp xã Nông Trường

                    Phía Nam giáp xã Thái Hòa

                    Phía Tây giáp xã Xuân Du, huyện Như Thanh

Xã có tổng diện tích tự nhiên 1.554,69 ha; trong đó, đất nông nghiệp 808,21ha chiếm 51,98%; Đất phi nông nghiệp là: 638,3 ha chiếm 41,06%; Đất chưa sử dụng 108,18 ha chiếm 6,96%.

Về dân số: Toàn xã có 1.781 hộ, 6.218 nhân khẩu, dân cư được phân bố thành 8 thôn, ngành nghề chính của nhân dân trong xã là sản xuất Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, thương mại.

Vân Sơn xưa kia thuộc huyện Nông Cống là một vùng đất cổ có tên từ thời Trần về trước (trước thế kỷ X là huyện Cư Phong rồi đổi thành Di Phong). Cuối thời Trần, Nông Cống là 1 trong 4 huyện của châu Cửu Chân. Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460-1498), Nông Cống là 1 trong 3 huyện thuộc phủ Tĩnh Gia. Đầu thời Nguyễn dưới triều vua Gia Long ( 1802- 1820), huyện Nông Cống bao gồm 9 tổng, 215 thôn, xã. Địa bàn xã Vân Sơn ngày nay thuộc 2 tổng Cổ Đnh và Lai Triều. Tổng Cổ Đnh là 1 trong 3 tổng lớn nhất của huyện có 38 xã thôn (nay là các thôn thuộc các xã Tân Ninh, Thái Hòa, Nông Trường, An Nông, Minh Châu, Minh Dân và làng Vân Cổn thuộc xã Vân Sơn). Tổng Lai Triều có 12 xã thôn (nay là các thôn thuộc các xã Minh Sơn, Hợp Thắng, Hợp Thành và làng Sơn Đương (Sơn Phú ngày nay) thuộc xã Vân Sơn).

  Theo các tài liệu lịch sử, vùng thung lũng núi Nưa nằm trên vành đai bao quanh đồng bằng Thanh Hóa từ rất sớm đã hình thành những tụ điểm dân cư. Căn cứ vào các truyền thuyết lưu truyền qua đời này sang đời khác, căn cứ vào việc phát hiện những dầu tích, hiện vật trên vùng đất này, có thể khẳng định rằng trong buổi đầu dựng nước thời vua Hùng, con người đã có mặt ở nhiều địa điểm vùng ven núi Nưa và sông Nhơm. Kẻ Nưa và Kẻ Mơ trên đất Triệu Sơn ngày nay là một trong những vùng tập trung dân cư từ rất sớm.  Vân Sơn một vùng đất thuộc khu vực thung lũng núi Nưa chắc chắn cũng đã được con nguời khai phá từ rất sớm, nhất là những khu vực ven sông, gần nguồn nước để sinh sống, sự hình thành mỗi làng trong xã mang những nét riêng và quá trình đó diễn ra trong cả thời kỳ dài kể từ khi một vài gia đình hoặc dòng họ đến sinh sống, lập nghiệp cho đến lúc dân cư ngày càng đông đúc đề dần hình thành các ngõ xóm, các khu dân cư.

  Sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, đơn vị hành chính cấp tổng bị xóa bỏ. Lúc này, các làng thuộc xã Vân Sơn ngày nay thuộc xã Vĩnh Gia. Năm 1947 ba xã Hà Mơ, Bình Định và Vĩnh Gia nhập thành xã An Nông lớn  (gồm 14 làng của các xã Nông Trường, An Nông, Vân Sơn hiện nay). Tháng 12- 1953 xã Vân Sơn được thành lập gồm 3 làng Vân Cổn, Sơn Phú, Đạt Thành và xóm Hưng Thành của xã An Nông lớn tách ra. Từ tháng 2- 1965 xã Vân Sơn là một trong 13 xã của huyện Nông Cống được tách ra để nhập với 20 xã của huyện Thọ Xuân để thành lập huyện mới Triệu Sơn theo Quyết định số 177-CP ngày 16-12-1964 của Hội đồng Chính phủ, từ đó đến nay xã Vân Sơn trực thuộc sự quản lý và điều hành của huyện Triệu Sơn.

Tương truyền xã Vân Sơn xưa kia là một vùng quê hẻo lánh, gần rừng núi, nơi mà Nghĩa quân của Bà Triệu đã từng mài kiếm luyện quân trước đây. Sau khi các các trại, ấp được gọi là làng, theo diễn trình lịch sử làng dần được phát triển lên, điền địa được mở mang, từ 3 làng cổ đến nay đã Vân Sơn đã có 10 làng. Phần lớn nhân dân trong xã theo tín ngưỡng dân gian như thờ cúng ông bà, tổ tiên, thờ thành hoàng làng; thờ những người có công với nước, thờ thần, thờ thánh, thờ mẫu… Đền thờ Bà Triệu ở xã Vân Sơn  là trung tâm của hai khu di tích quốc gia là Phủ Nưa và Phủ Na vì vậy nơi đây còn có tên gọi là Phủ Tía, lễ hội Đền Bà Triệu với những nét tín ngưỡng dân gian, tạo cho cư dân Vân Sơn một đời sống tâm linh thật phong phú và mang đậm nét lịch sử, tính huyền thoại, nhân dân xem đó là nơi gửi gắm và là chỗ dựa tinh thần sau những ngày lao động vất vã.

Anh-tin-bai

II.  NGUỒN GỐC LỄ HỘI RƯỚC KIỆU TẠI ĐỀN THỜ BÀ TRIỆU

Cũng như bao làng quê khác, trên mãnh đất xã Vân Sơn xưa kia, theo truyền thuyết vào năm 248 thế kỷ thứ 3, thiên niên kỷ thứ nhất có người con gái tên là Triệu Thị Trinh và  người anh trai Triệu Quốc Đạt tới vùng đất hiểm trở Núi Nưa (Núi Na) lập căn cứ khởi nghĩa chống giặc Ngô xâm lược, khi đi qua vùng đất Làng Vân Cổn (xã Vân Sơn ngày nay) Bà dừng chân nghỉ lại dưới chân Núi Tía, quan sát thấy địa thế thuận lợi Bà cho lập tiền đồn tại đây án ngữ và kiểm soát mọi hoạt động trước khi vào khu căn cứ chính núi Nưa. Sau khi Bà mất, nhớ ơn Bà người dân nơi đây đã lập Đền thờ Bà dưới chân núi Tía dân gian thường gọi là Đền Vua Bà, hay Phủ Tía) và trên đỉnh núi là Đền thờ anh trai Bà. Đền này rất thiêng , tục lệ trước đây muốn vào Phủ Na (Na Sơn động phủ) phải vào dâng hương ở Phủ Tía. Qua các triều đại, Phủ Tía có 36 đạo sắc phong, nhiều lần được phong “Thượng đẳng tối linh thần”.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của thiên nhiên, Đền bị hủy hoại theo thời gian, dấu tích của Đền đài xưa không còn nguyên vẹn, nhớ ơn Bà hàng ngày nhân dân vẫn mang hương đến thắp và cúng tế trên nền đất cũ và cầu mong cho, mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an, hàng năm vào tháng giêng, tháng hai mở hội để nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương về dâng hương tưởng nhớ Vua Bà. Lễ hội diễn ra từ ngày 20 tháng 12 âm lịch năm trước đến hết tháng 2 âm lịch năm sau, và ngày  16 tháng 2 âm lịch hàng năm  là ngày lễ rước kiệu tôn vinh người nữ anh hùng dân tộc.

Xã Vân Sơn xưa có 3 làng, mọi nghi lễ, tuần tiết trong Lễ hội đều do các làng đứng ra lo liệu, ban đầu chỉ là những lễ nghi đơn giản và những trò diễn xướng mô tả lại những trận đánh của nghĩa quân của Bà triệu với giặc Ngô, dần dần theo quá trình lịch sử,  phát triển thành lễ hội và đây cũng là dịp để nhân dân trong làng, trong vùng dâng tiến những của ngon vật lạ, lễ hội có các trò diễn dân gian gắn liền với những chiến công oanh liệt của Vua bà, như  các màn  trống trận, đấu vật, kéo co, cờ người và những bài hát văn ca ngợi công đức của Bà.  Sau khi được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, Lễ hội Đền thờ Bà Triệu do UBND xã đứng ra tổ chức nhưng mọi lễ nghi đều do các làng chuẩn bị.

Anh-tin-bai

III. DIỄN TRÌNH CỦA LỄ HỘI

Lễ hội rước kiệu tại Đền thờ Bà Triệu gồm có 2 phần

1. Phần Lễ

- Rước kiệu:

Rước kiệu trong lễ hội là hình thức văn hóa mang tính tâm linh của người dân Vân Sơn có từ xa xưa, kiệu được rước từ  Đền chính ra đền trình, làm lễ xong rước kiệu lên đỉnh núi Tía nơi thờ Triệu Quốc Đạt, lễ xong rước về đền chính với chiều dài hơn 1 km qua các khu dân cư,  hình thức để Bà và anh trai Bà đi thăm cảnh dân tình làm ăn, sinh sống ra sao,  trước khi kiệu được rước về đền chính kiệu được rước lên đền Cô Chín (ý báo cáo và mời cô về dự Lễ hội với Đền).

Anh-tin-bai

Anh-tin-bai

Theo lệ,  sáng ngày 15 tháng 2 âm lịch các làng cử các cụ cao tuổi cùng với thủ từ làm lễ mộc dục (tắm tượng), sửa sọan các Ban thờ, bát hương, chuẩn bị binh khí, cờ hội, lộng, tàn, kiệu. Buổi chiều, theo sự sắp xếp các làng chuẩn bị các mâm lễ vật như xôi gà, thủ lợn, các loại bánh như bánh như chưng, bánh trôi, bánh mật, mỗi làng phải có 2 mâm lễ,  các dòng họ lớn một mâm. Sáng ngày 16 các mâm lễ vật được đem vào Đền đặt lên các ban thờ, khi rước kiệu mới được đem ra để đi theo đám rước. Rước kiệu có cờ, lộng, tàn, dàn binh khí, phường nhạc bát âm, có 2 kiệu là kiệu Bà Triệu và kiệu Đức ông,  Phu khiêng kiệu là những người được các làng chọn phải là những nam thanh, nữ tú siêng năng công việc, có đạo đức tốt, gia đình bố mẹ không có các tì vết, tang ma, được dân làng yêu mến.

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai


Anh-tin-bai

Mở đầu nghi thức rước kiệu là lễ rước bát hương, 6 cụ cao niên mặc áo tế (được chọn lọc kỹ càng, phải là người đức cao, vọng trọng mới được tham gia rước bát hương) rước từ trong đền ra kiệu, sau khi bát hương in vị, khởi kiệu bằng một hồi trống ba hồi chuông. Đi đầu đoàn rước kiệu là đội múa lân (gồm có 2 lân), đội cờ gồm 60 người cầm cờ hội, tiếp theo là đội nhạc, sau đội nhạc là các mâm lễ vật, các mâm Sơn trang của các làng, các bản hội tín ngưỡng, tiếp đến là 2 thiếu nữ khiêng võng, 4 người cầm lọng, 4 người cầm tàn,  6 người cầm binh khí, phía sau là kiệu Đức ông  (phu khiêng kiệu có 8 nam mặc quần áo màu vàng, quần đỏ, thắt lưng và khăn đội đầu màu đỏ), sau kiệu đức ông là kiệu Bà Triệu (phu khiêng kiệu là 12 thanh nữ quần trắng, áo vàng, thắt lưng khăn đỏ, đầu chiết khăn vàng, ngày nay được thay bằng áo dài truyền thống) và sau cùng là nhân dân trong làng và du khách thập phương với số lượng tham gia lễ hội hàng nghìn người, đây là hình thức biểu dương sức mạnh, cố kết cộng đồng của làng xã xưa kia được lưu truyền đến ngày nay.

Anh-tin-bai

Sau khi kiệu được rước về đến sân Đền, đặt ở vị trí giữa sân, trống, chiêng, nhạc nổi lên, hai bát hương được rước vào trong Đền.

Anh-tin-bai


Anh-tin-bai


Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

Anh-tin-bai

- Tế lễ:

Đội tế lễ gồm có chủ tế, bồi tế (chủ tế và bồi tế là bậc cao niên, có phẩm chất đạo đức tốt, gia đình có kinh tế phát triển, đoàn kết, con cái đỗ đạt, chăm ngoan được dân làng kính trọng) và đội khiêng kiệu xếp thành hai hàng ở phía sau. Khi các vị chức sắc trong làng, các vị khách về dự lễ hội đứng tề tựu hai bên sân Đền, hai người chấp sự vào trong nội điện kính cẩn bưng văn tế ra, chủ tế và bồi tế quỳ xuống nhận chúc, chủ tế cầm chúc vái lạy rồi đọc chúc. Nội dung cơ bản của Chúc văn là ca ngợi công lao của Bà Triệu và các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, cẩn cáo với các bậc thánh nhân về những thành quả người dân Vân Sơn đã đạt được trong những năm qua và cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an, ấm no hạnh phúc, cầu cho bách gia, trăm họ Nhân khang vật thịnh, bảo phúc trường tồn, trừ tai viễn tống, uy danh mẫu tước thiên hạ thiên thu hương hỏa lưu truyền vạn cổ.

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

2. Phần hội:

Phần hội được diễn từ khi phần tế lễ kết thúc cho đến khoảng 11 giờ trưa với    màn trống trận, những bài hát văn,  kéo co, biểu diễn võ thuật …

- Màn trống trận:

Mô tả lại cuộc khởi nghĩa và những chiến công oanh liệt của Vua Bà, một thiếu nữ được chọn  đóng vai Bà Triệu và tuyển chọn trong các làng làm hai đội quân mỗi đội khoảng 60 - 70 người, một đội theo Bà Triệu khởi nghĩa, một đội đóng giả làm quân Ngô. Khi trống trận nổi lên, cùng với tiếng reo hò của người đến tham gia lễ hội, nghĩa quân của Bà Triệu từ trong núi Nưa tiến quân ra, tiếng binh reo vang, quân ca náo nức, đoàn voi chiến hành quân rầm rộ.

Anh-tin-bai

- Trò diễn

Tích Bà Triệu đánh dẹp giặc Ngô được sân khấu hóa thành vở diễn triệu Trinh Nương đề cờ, kể về quá trình lập căn cứ,  khởi nghĩa chống giặc Ngô xâm lược.

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai
 
Anh-tin-bai

- Hát văn:

Đây là một hoạt động văn hóa đặc sắc, đội hát gồm 9 người và đội nhạc có 5 người cả nam và nữ đều là người trung tuổi với các nhạc cụ dân gian như nhị, sáo..Nội dung câu hát: Ca ngợi công đức của Bà Triệu, cầu mong mùa màng tốt tươi, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

 

Anh-tin-bai

- Kéo co:

Trò chơi kéo co chỉ dành cho Phụ nữ (có lẽ do nơi đây Thờ Bà Triệu, tôn vinh nữ anh hùng, nên trò chơi danh cho nữ để biểu dương sức mạnh người phụ nữ việt nam), Mỗi làng tuyển chọn một đội gồm 11 người đại diện, trang phục được thống nhất một kiểu (không ai nhớ được trang phục xưa) ngày nay là quần áo ba ba, đầu buộc khăn màu đỏ, lưng buộc khăn màu vàng, đi chân đất.

Anh-tin-bai

- Biểu diễn võ thuật:

Tham gia biểu diễn võ thuật là con em địa phương, được các cụ truyền dạy gồm màn đồng diễn tay không, màn đối kháng với những loại binh khí mang tính tượng trưng thời Bà Triệu. Màn biểu diễn võ thuật thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí kiên cường của dân tộc sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược giang sơn, bờ cõi của Tổ quốc.

Anh-tin-bai

Ngày nay bên cạnh những trò diễn truyền thống, lễ hội còn đưa vào các trò diễn hiện đại như đồng diễn thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi, cầu lông, bóng bàn, các hoạt động văn nghệ với nội dung ca ngợi tình yêu lao động, cuộc sống ấm no, hạnh phúc của quê hương, đất nước. Đến 5 giờ chiều cùng ngày, phần hội kết thúc, dân làng làm lễ tạ rồi kết thúc lễ hội, mọi người ra về mang trong lòng niềm vui phấn khởi và sự tiếc nuối của dân làng và du khách thập phương về tham gia lễ hội, để lại cho mỗi người những dư âm không thể nào quên.

Anh-tin-bai

IV. GIÁ TRỊ CỦA LỄ HỘI ĐỀN THỜ BÀ TRIỆU

1. Giá trị lịch sử

Lễ hội Đền Bà Triệu ở xã Vân Sơn hiện nay có nhiều thay đổi nhưng vẫn mang những  giá trị tiêu biểu  độc đáo của một Lễ hội tín ngưỡng dân gian, thờ Thần, thờ Phật, thờ những người có công với nước. Lễ hội đã tái hiện lại một phần nào đó của lịch sử,  như một vở diễn, một cuộc hành trình về nguồn, trông lại nghìn xưa. Qua lễ hội chúng ta có thể hiểu biết thêm về lịch sử, về những trận đánh, về những chiến công, về ý chí quật cường, những tấm gương, những bài học quí báu về lòng tự tôn, tình đoàn kết làm nên sức mạnh của dân tộc. Qua lễ hội, chúng ta hiểu biết sâu hơn về giá trị lịch sử của địa phương trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, như một mắt xích kết nối lịch sử nếu như thiếu nó lịch sử sẽ bị đứt quảng, đó là sự thống nhất của quá trình lịch sử. Sự ra đời của Lễ hội đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm linh, hệ thống thờ phụng của nhân dân Việt Nam nói chung và ở xã Vân Sơn nói riêng, đây là nét tôn giáo rất riêng, rất độc đáo chỉ có ở Việt Nam, Lễ hội đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống đấu tranh, bảo vệ quê hương cho các thế hệ , tự hào và gìn giữ những thành quả mà cha ông ta đã để lại đến ngày nay, đó không chỉ là truyền thống yêu nước mà còn là tấm gương cho các thế hệ con cháu noi theo và luôn tự hào về tổ tiên của mình.

2. Giá trị văn hóa

Lễ hội Đền Bà Triệu không có sự pha tạp giữa Đạo giáo và Nho giáo , nhưng nó là một điểm tựa tâm linh, là nơi con người gửi gắm ước mong, nguyện vọng của mình. Dân tộc Việt Nam có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”,  “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đó là nét đẹp trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam, Lễ hội Đền Bà Triệu là một trong những nét đẹp của Văn hóa ứng xử đó.

Nếu như Ăn – uống, ở - mặc – đi lại là nhu cầu sinh hoạt vật chất cần thiết, thì Lễ hội là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, vì vậy sinh hoạt tín ngưỡng – Lễ hội đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, ở bất cứ nơi đâu khắp các làng quê đều có lễ hội dù lớn hay nhỏ, do vậy lễ hội chứa đựng giá trị tinh thần rất lớn. Đối với người dân Vân Sơn từ xưa đến nay, lễ hội là một hoạt động rất thiêng liêng, cả năm làm lụng vất vã, chắt tiêu tằn tiện, có người giàu kẻ nghèo; người sang kẻ hèn, khi đến với lễ hội thì mọi người đều bình đẳng, không có sự phân biệt cao thấp, địa vị sang hèn, không phân biệt lễ to hay nhỏ mọi người đều được tham gia lễ hội. Đến với lễ hội là lúc cuộc sống thăng hoa, rũ sạch mọi tất bật, lo toan của cuộc sống đời thường để sống một cuộc sống khác, đó là sống không có lo toan, vướng bận với cơm, áo, gạo, tiền…..một cuộc sống hướng thiện. đến với Lễ hội nhân dân được sáng tạo và tái hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và hưởng thụ các giá trị văn hoá và tâm linh, do vậy, lễ hội bao giờ cũng thấm đượm tinh thần dân chủ và nhân bản sâu sắc. Đặc biệt trong “thời điểm mạnh” của lễ hội, khi mà tất cả mọi người chan hoà trong không khí thiêng liêng, hứng khởi thì các cách biệt xã hội giữa cá nhân ngày thường dường như được xóa nhòa, con người cùng sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa của mình.

3. Giá trị cố kết và biểu dương sức mạnh cộng đồng:

Lễ hội nào cũng là của và thuộc về một cộng đồng người nhất định, lễ hội là môi trường góp phần quan trọng tạo nên niềm cộng mệnh và cộng cảm của sức mạnh cộng đồng, chính lễ hội là dịp biểu dương sức mạnh của cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng. Lễ hội là nơi con người trong cộng đồng, làng xóm tụ họp với nhau thành một khối, qua lễ hội tất cả đều có lý do tồn tại trong mối quan hệ ràng buộc “Cộng sinh hay cộng mệnh” không thể tách rời,  điều này thể hiện sự đoàn kết làng xã. Lễ hội không chỉ chứa đựng giá trị lịch sử mà còn chứa đựng cả yếu tố tinh thần đối với cuộc sống hiện tại và tương lai. Trong quan hệ xã hội, lễ hội là dịp để mọi người thể hiện tình thân thiện đặc biệt giữa con người với nhau. Người ta tránh những khách sáo, những thô lỗ cộc cằn, những hẹp hòi ích kỷ, những suy nghĩ tiêu cực về nhau, để mọi người tự nhìn lại mình và tự sửa mình, lễ hội là dịp tình yêu quê hương, đất nước, làng xóm, giữa con người với con người với nhau được bồi đắp, gắn bó hơn.

4.  Giá trị kinh tế - Du lịch

Am tiên, Phủ Nưa, Phủ Na là vùng đất địa linh nhân kiệt của xứ Thanh nơi ghi dấu nhiều căn cứ địa của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh từ buổi đầu luyện quân đánh giặc, tiếp nối truyền thống hào hùng đó, nơi đây vẫn là một trong những vùng đất thiêng mà các anh hùng hào kiệt của đất nước chọn làm căn cứ địa, Đền thờ Bà Triệu Phủ Tía xã Vân sơn nằm trong vùng trung tâm giữa tuyến du lịch hành hương về cội nguồn Am tiên, Phủ Nưa, Phủ Na, có đường giao thông thuận tiện gần với Thành phố Thanh Hóa và trung tâm huyện lị Triệu Sơn có điều kiện phát triển kinh tế song song với phát triển du lịch.  Ngày 15/01/1993 Sở VHTT tỉnh Thanh Hóa chính thức công nhận Đền Bà triệu xã Vân Sơn Là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, từ đây Lễ hội Đền Bà Triệu không chỉ có chỗ đứng trong tâm thức của người dân địa phương mà còn mở rộng ra cả các vùng trong cả tỉnh, cả nước mang tầm quốc gia thu hút hàng nghìn lượt khách hàng năm đến với Lễ hội để tưởng nhớ, để cầu mong, để tham quan, đây là một điều kiện để nhân dân địa phương phát triển kinh tế qua việc kinh doanh, dịch vụ các mặt hàng truyền thống, lưu niệm cho khách thập phương hành hương về cội nguồn.

Cũng như mọi lễ hội, đến với lễ hội Đền Bà Triệu không chỉ tưởng niệm vị nữ anh hùng dân tộc, mà còn là nơi để tinh thần cộng đồng được tôn lên, mọi thành viên được gắn kết. Đến với lễ hội Đền Bà Triệu là đến với bảo tàng sống, một cuốn lịch sử hiện thực, là nơi tái hiện lại bức tranh lịch sử cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước của nữ tướng anh hùng, qua những bản công trạng, những bài văn tế, những bài hát văn chứa đầy những chiến công, những sự tôn kính của người dân địa phương và du khách,  lễ hội cung cấp nguồn kiến thức dồi dào cho mọi tầng lớp nhân dân và giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu quê hương đất nước.

Lễ hội Đền Bà Triệu là nét văn hóa tinh thần, là điểm hội tụ tâm linh của sự thiêng liêng và bình dị, là nơi kết tụ và đoàn kết cộng đồng, đó là lý do để lễ hội tồn tại và phát triển, lễ hội là món ăn tinh thần của mỗi vùng quê, sau một năm làm lụng vất vả, bon chen, phiêu dạt.. nhưng ngày Lễ hội ai cũng muốn có mặt, đó là cuộc hành trình tìm về cội nguồn, đứng giữa Đền thắp nén hương thành kính, tưởng niệm và cầu nguyện sẽ thấy lòng thanh thản trước những áp lực của cuộc sống.

Tháng giêng, tháng hai âm lịch hàng năm du khách hãy đến và tham dự lễ hội Đền thờ Bà Triệu (Phủ Tía) tại xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh hóa để cuộc sống được cân bằng, thăng hoa, tất cả cái hay, cái đẹp, cái tài giỏi, những giờ phút nghỉ ngơi được phát triển lên thành nghệ thuật. Lễ hội đền Bà Triệu là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu, là nơi chia sẻ những lo toan, gửi gắm những mong ước của nhân dân và cầu mong cho cuộc sống phát triển an khang,  thịnh vượng.

 

Tin nổi bật
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND Xã Tân Ninh
Địa chỉ: UBND Xã Tân Ninh
Email:......
Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Tài Tuệ; Chức vụ:Trưởng phòng Văn Hóa - Xã Hội
Ghi rõ nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa xã Tân Ninh hoặc tanninh.thanhhoa.gov.vn khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.

Website được thiết kế bởi VNPT