image banner
LỊCH SỬ ĐỀN NƯA
Đền Nưa còn có tên chữ là Na Sơn Từ, nơi đây thờ Bà Triệu (Tức Lệ Hải Bà Vương) nên nhân dân còn gọi là đền đức Vua Bà hay là đền bà chúa Ngàn Nưa, đền tọa lạc ở chân núi ngay cửa rừng Nưa, trên một vị trí cao, rộng và thoáng đãng, phía trước có hệ thống ao hồ tự nhiên, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình và thơ mộng.
Anh-tin-bai

Theo dân gian đền Nưa đã có từ xa xưa ở vùng quê Cổ Na – Xứ Thanh, cùng với sự biến thiên và thăng trầm lịch sử, đầu triều Nguyễn di tích gần như chỉ còn là phế tích, nhân dân Cổ Định đã thu nhặt gạch đá xếp lại, tạo thành một bệ thờ ở trên nền móng cũ, với bát hương đơn sơ bằng ống bương để thờ cúng Bà Triệu.

       Vào năm thứ 5 đời vua Tự Đức triều Nguyễn, có viên Tri huyện Nông Cống, tên là Cao Bá Đạt, nhận lệnh của triều đình, thúc quan quân tổ chức săn thú quý của vùng rừng núi nơi đây dâng triều đình Huế, một hôm quan quân đi săn thú và đến nơi này, qua hỏi người dân địa phương biết được nơi đây thờ Bà Triệu (Bà chúa thượng ngàn) ông liền sai quân gia sắm lễ kêu cầu, vì cúng lễ chu đáo nên đức Vua Bà (Bà Triệu) - Vị chúa Ngàn Nưa đã linh ứng phù hộ quan quân săn được nai quý trong rừng để tiến vua. Quan thái y trong triều, đã dùng huyết của nai đen làm thang thuốc chữa bệnh mờ mắt cho bà Từ Dũ ( Mẹ vua Tự Đức). Nhân đó viên tri huyện đã tâu trình với Triều đình về giấc mộng gặp người con gái mặc y phục màu trắng, đeo bên hông gươm lệnh, qua việc kêu cầu của ông đã linh ứng, báo mộng chỉ đường cho ông và quan quân săn được nai đen tín cúng triều đình, vì vậy triều đình đã cho phép bản huyện trích công quỹ 1200 quan tiền và dân trong vùng không phải đóng thuế 3 năm, để sử dụng vào việc dựng lại Đền Nưa và phong thần cho Bà Triệu, duệ hiệu là “Đệ nhất thiên tiên thánh mẫu, sơn trang thượng ngàn Bạch Y công chúa Lệ Hải Bà Vương ngọc bệ hạ”. Đền Nưa xây dựng xong Cao Bá Đạt -  Quan Tri phủ Nông Cống còn có thơ đề “ Hoàn đá bia” về việc ông cầu được nai đen quý hiếm và xây dựng đền Nưa.

        Trong những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân, đế quốc Mỹ đánh phá ra miền Bắc (Cổ Định là nơi có công nghiệp khai thác quặng croomit – Một khoáng sản quý) “Hoàn đá bia” và các kiến trúc thời Nguyễn ở ngôi đền này đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ công trình nghinh môn bề thế vẫn còn khá nguyên vẹn với đường nét hoa văn đẹp và tinh tế. Các công trình xây dựng bị đánh phá hư hỏng nhưng các điển tích, giai thoại và sự linh thiêng thì vẫn trường tồn, với câu chuyện rùa vàng xóa dấu vết khi giặc truy sát nghĩa quân, chồn trắng cứu giúp vua Lê Lợi thoát khỏi sự truy đuổi của giặc Minh, Nơi giếng Cô Chín linh thiêng, chứng cho sự kêu cầu và giúp cho nhiều người “Tai qua nạn khỏi”, sự nghiệp hanh thông, an lành hạnh phúc. Ai nói là không thiêng, khi mà ba pho tượng đồng cổ “ Tam Tòa Thánh Mẫu” đã bị kẻ tham lam đánh cắp nhiều lần, thậm chí có lần tượng được đưa ra đến biên giới chờ xuất cảnh vẫn phải đưa về mà không cần truy tìm.

       Từ cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đến nay đã gần 18 thế kỷ trôi qua, nhân dân cả nước và người dân xứ Thanh vẫn rất tự hào và khắc sâu trong tâm trí câu nói nỗi tiếng của bà Triệu xưa kia: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển đông, đánh đuổi giặc Ngô, dành lại giang sơn, cỡi ách nô lệ, chứ không thà khom lưng quỳ gối làm tỳ thiếp cho người”. Đó chính là khí phách quật cường của dân tộc quyết vùng lên đánh đuổi bọn xâm lược, giải phóng quê hương.Từ lâu nơi đây đã trở thành vùng đất thiêng để du khách gần xa hành hương thăm viếng tưởng nhớ đến người nữ anh hùng dân tộc hồi thế kỷ thứ ba. Ngày 27/3/2009 Bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch đã ký quyết định số 125/ QĐ BVH- TT – DL công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Núi Nưa – Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm núi Nưa, Đền Nưa và Am Tiên), đây là niềm tự hào chung của quê hương đất nước, qua đó cũng xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các nghành của chính quyền và nhân dân trong bảo vệ, giữ gìn, trùng tu và phát huy tác dụng, giá trị của di tích.

     Hiện nay dự án quy hoạch tổng thể và chi tiết khu di tích thắng cảnh Ngàn Nưa đã được lập và đang trong quá trình thực hiện một cách khẩn trương, thúc đẩy và gợi mở tiềm năng du lịch mới trên vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Cổ Định – Tân Ninh – thị trấn Nưa “Văn hiến”.

CCVH – XH

Lê Văn Sơn

Tin nổi bật
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND Xã Tân Ninh
Địa chỉ: UBND Xã Tân Ninh
Email:......
Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Tài Tuệ; Chức vụ:Trưởng phòng Văn Hóa - Xã Hội
Ghi rõ nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa xã Tân Ninh hoặc tanninh.thanhhoa.gov.vn khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.

Website được thiết kế bởi VNPT