Theo dấu tích của nền móng cũ, nhân dân địa phương đã góp công, góp của để xây dựng lại các hạng mục công trình như Tam quan chùa Am Tiên, đền Bà Triệu, đền Tu Nưa với kiến trúc khiêm tốn, đơn sơ để thờ phụng
Khi viết về núi Nưa (Na Sơn) các sách địa chí xưa đã tập trung mô tả về ngọn núi cao nhất ở vùng đất Cổ Định (Kẻ Nưa), nay thuộc thị trấn Nưa huyện Triệu Sơn. Đây chính là trái ngọn nổi tiếng của cả xứ Thanh và cả miền Hoan Ái cũ. Đặc biệt hơn, núi Nưa của quận Cửu Chân - xứ Thanh thời ngàn năm Bắc thuộc lại là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (tức Triệu Ẩu, hay Triệu Thị Trinh) chống lại nhà Đông Ngô vào năm 248 đã "làm toàn Châu Giao chấn động"; núi Nưa được xếp liền kề nhau bởi các phiến núi, tạo nên thế con rồng đang lượn, đầu vươn cao như đầu hổ và đứng ở nơi ấy “Huyệt Đạo thiêng” la to một tiếng thiên hạ đều nghe.
Năm 247 Triệu Quốc Đạt – một Hào trưởng lớn (huyện lệnh) nổi tiếng ở miền đất Quan Yên, quận Cửu Chân) chiêu mộ nghĩa binh chống lại sự hà khắc của giặc ngô phương Bắc. Chuyện chưa thành Triệu Quốc Đạt mắc phải gian kế của giặc và bị thủ tiêu. Mẹ già vì thương con trai đau lòng mà mất.
Bà Triệu (em gái Triệu Quốc Đạt) thay anh tiếp tục dựng cờ khởi nghĩa lấy đại bản doanh là vùng núi Nưa hiểm trở, ngày đêm luyện tập quân sỹ chờ thời giết giặc.
Bà Triệu đã cho dựng trên núi một ngôi chùa công đức lấy tên là “Bích Vân Cung Tự”1 tục gọi là chùa Am Tiên với hai ý nghĩa chính:
Một là: Mẹ già của bà ở quê khi được tin con trai là Triệu Quốc Đạt (Thủ lĩnh ban đầu của cuộc khởi nghĩa), bị Hán gian hãm hại hy sinh, cụ đau lòng qua đời, Bà Triệu không về chịu tang được vì quê nhà đang chịu cảnh giặc Đông Ngô chiếm đóng nên đã cho xây chùa lập đàn tế, vọng vái mẹ già.
Hai là: Bà Triệu cho xây dựng ngôi chùa để chứng minh với muôn dân, cuộc khởi nghĩa của Bà là chính nghĩa có Trời Phật ngầm giúp đỡ để thu phục nhân tâm. Đỉnh Am Tiên là một vị trí tiền đồn có tầm quan sát rộng, là một điểm cao lý tưởng đủ để khống chế cả một khu vực rộng lớn của huyện Nông Cống xưa (bao gồm cả Như Thanh, Triệu Sơn, Nông Cống ngày nay).
Khi cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu bị đàn áp, đồng nghĩa với việc bọn xâm lược tàn sát người dân Cổ Na (thị trấn Nưa ngày nay) và những gì có liên quan đến Bà Triệu đều bị tàn phá. Sau này người dân Cổ Na li tán trở về sửa sang lại chùa cũ. Năm 1405 Hồ Hán Thương bổ quân vây, phá chùa đốt núi (truyện kể trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ thế kỷ 16 trong việc người tiều phu Núi Na)2.
Năm 1935 ông Lê Quy Sinh là con trai út của cụ Lê Trọng Nhị (người làng Cổ Định - từng tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ)3 lên khai phá vùng Am Tiên đã phát hiện ra nền chùa cũ, như bia đá, rùa đá, khánh đá, và tảng đá búp sen, ngôi chùa bị vùi lấp với cỏ cây, đã được ông dựng lại, tôn tạo di tích của vị nữ anh hùng cứu quốc thuở xưa, từ đó khách thập phương đến lễ Phật và chiêm ngưỡng cảnh quan, công đức của Bà Triệu, ngày một đông vui nhộn nhịp, những thắng cảnh và điển tích được ông cho tôn tạo lại như Ao Hóp, Đông Chợ Bụa, khe Đá Bàn, Am Bích Vân, Bàn cờ tiên.
Hàng năm cứ đến ngày 9 tháng giêng, ông cho mở hội chùa 7 ngày. Do chiến tranh và nhiều hoàn cảnh khác, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lễ hội không được tổ chức, chùa bị mai một, dột nát, hư hỏng, người trông coi chùa trước Cách mạng Tháng Tám là cụ Hương Nhã người họ Trần, thân sinh ra ông Trần Huy Nhượng, Bí thư Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của xã Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa).
Sau Cách mạng Tháng Tám - 1945 cụ Hương Nhã qua đời, làng xã bước vào thời kỳ xây dựng nếp sống mới, chống mê tín dị đoan, chùa bị bỏ hoang, cuối cùng bị dỡ bỏ. Sau năm 1975 đất nước thống nhất, địa phương chủ trương khai hoang, khai khẩn trồng sắn và cây công nghiệp, một bộ phận tín đồ Phật giáo ở địa phương đã tôn tạo lại chùa cũ. Gia đình cụ Lê Bật Quy xóm Ất là người có công tôn tạo và ở lâu nhất.
Theo dấu tích của nền móng cũ, nhân dân địa phương đã góp công, góp của để xây dựng lại các hạng mục công trình như Tam quan chùa Am Tiên, đền Bà Triệu, đền Tu Nưa với kiến trúc khiêm tốn, đơn sơ để thờ phụng. Tuy nhiên, với việc phục hồi, tôn tạo đầy cố gắng bước đầu của nhân dân đã làm cho sức sống ở khu vực Am Tiên được hồi sinh một cách thật đáng kinh ngạc. Mặc dù đường lên đỉnh Am Tiên phải vòng vèo và vượt dốc tới hơn 2 km, nhưng trong kỳ hội chính vào tháng Hai và tháng Tám hàng năm, hàng ngàn, hàng vạn người từ các nơi trong ngoài tỉnh vẫn lũ lượt đi lên để cầu mong phúc - lộc - thọ - khang - ninh để thoả lòng khao khát. Ở khu vực Am Tiên), nhân dân vẫn còn thu nhặt được nhiều hiện vật bằng đá, gạch thời Lê và thời Nguyễn (trong đó có cả khánh đá, chân tảng đá, chân đế cắm tần lộng và nhiều viên gạch vô to hình chữ nhật, v.v...). Đó chính là di vật chứng minh thêm khu vực Am Tiên từ xưa đã có những kiến trúc cổ để thờ phật và thờ thần.
Lê Văn Sơn
CCVH – XH thị trấn Nưa.
Ghi chú:
1. Nguyễn Văn Bảo. “Làng Cổ Định, cổ truyền” Tr 141,NXBKhoa học xã hội.XB năm 2023.
2. Truyền kỳ mạn lục(Nguyễn Dữ) NXB văn hóa Hà Nội - 1957
3. Theo gia phả họ Lê Sỹ, Cổ Định năm 1983 và lý lịch di tích LSVH Nhà thờ họ Lê Sỹ, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, ttinhr Thanh Hóa năm 2013;