Lễ công bố Quyết định thành lập Ban quản lý Di tích lịch sử Danh lam thắng cảnh Quốc gia địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm: Núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên)
Sáng 7/7/2025, tại xã Tân Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử Danh lam thắng cảnh Quốc gia địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm: Núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên) và các quyết định liên quan đến công tác cán bộ.
Toàn cảnh buổi lễ Công bố Quyết định
Dự hội nghị có đồng chí: Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du Lịch Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo và chuyên viên liên quan các Phòng: Quản lý Di sản Văn hóa; Tổ chức cán bộ, Văn phòng; lãnh đạo và cán bộ, viên chức liên quan thuộc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa và cán bộ phụ trách; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã: Mậu Lâm, Trung Chính; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, UBND các xã: Triệu Sơn, Thọ Bình, Thọ Ngọc, Thọ Phú, Hợp Tiến, An Nông, Đồng Tiến. Về phía xã Tân Ninh tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thành Luân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã; Quản Trọng Thể, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy; Nông Bá Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc xã Tân Ninh.

Đồng chí: Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa dự lễ công bố Quyết định
Đồng chí: Nguyễn Thành Luân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Ninh dự lễ công bố Quyết định
Đồng chí: Quản Trọng Thể, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Ninh dự lễ công bố Quyết định
Đồng chí: Nông Bá Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh dự lễ công bố Quyết định
Tại buổi lễ đã công bố Quyết định số 552/QĐ-SVHTTDL, ngày 5/7/2025 của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh Quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm: Núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên). Theo Quyết định Ban Quản lý Di tích lịch sử gồm có 15 thành viên; ông: Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa làm Trưởng ban; ông: Nguyễn Hữu Toản, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tồn Di sản, Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa, Phó trưởng ban Thường trực; ông: Lê Đăng Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, Phó trưởng ban.
Đại diện lãnh đạo phòng Tổ chức cán bộ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa Công bố Quyết định
Các đại biểu tham dự buổi lễ nghe Công bố Quyết định
Về chế độ làm việc Ban Quản lý Di tích chịu sự chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Các thành viên của Ban Quản lý Di tích là cán bộ, viên chức, người lao động thuộc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa làm việc theo chế độ chuyên trách. Các thành viên của Ban Quản lý Di tích là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các xã: Tân Ninh, Mậu Lâm, Trung Chính làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Trưởng Ban Quản lý Di tích sử dụng con dấu của Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa để chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Có tài khoản riêng để hoạt động theo quy định của pháp luật. Trưởng Ban Quản lý Di tích ban hành Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể của từng thành viên Ban Quản lý Di tích. Kinh phí hoạt động của Ban Quản lý Di tích do Ngân sách nhà nước cấp (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương), các khoản hỗ trợ, viện trợ và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ của Ban Quản lý Di tích: Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Di sản Văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan. Lập chương trình, quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, kế hoạch, phương án, tổ chức thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di tích sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức giám sát tình trạng bảo tồn di tích, ngăn chặn các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 của Luật Di sản Văn hóa theo phạm vi, trách nhiệm được giao. Xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, hiện vật; trưng bày, tuyên truyền, quảng bá về di tích. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tổ chức hoạt động tham quan, dịch vụ phù hợp với từng di tích; thu, quản lý và sử dụng nguồn thu theo quy định của pháp luật. Tham gia quản lý, liên doanh, liên kết và giám sát hoạt động đầu tư, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển sinh vật trong khu vực bảo vệ di tích; phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực bảo vệ di tích. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân tổ chức thông tin, thảo luận, thu thập, tham gia ý kiến về quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến di tích. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và quản lý di tích và các nhiệm vụ khác do cơ quan có thẩm quyền giao.


Đồng chí: Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa trao quyết định và phát biểu giao nhiệm vụ cho Ban quản lý di tích
Phát biểu tại buổi lễ đồng chí: Phạm Nguyên Hồng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du Lịch Thanh Hóa biểu dương tinh thần, nỗ lực của của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương để thành lập được Ban quản lý di tích; đồng chí giao nhiệm vụ cho Ban quản lý di tích thời gian tới: Khẩn trương xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương trong phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích theo hướng thống nhất đầu mối quản lý, phân định rõ ràng trách nhiệm, bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, phù hợp thực tiễn. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã liên quan, tập trung rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất trong khu vực Di tích, đặc biệt là đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, các hạng mục công trình xây dựng không phép, sai phép; đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; tham mưu thực hiện cắm mốc giới di tích theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt tại Quyết định số 5158/QĐ-UBND ngày 27/12/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm: Núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên) giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045; chấm dứt tình trạng lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, tùy tiện sửa chữa, xây dựng trái phép trong khu di tích. Tiếp tục phối hợp rà soát toàn bộ các công trình tu bổ, tôn tạo, xây dựng trong khu di tích; làm rõ thời điểm xây dựng, chủ thể thực hiện, nguồn vốn, hồ sơ pháp lý và sự phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên cơ sở đó xây dựng phương án đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý đối với các công trình xây dựng không phép, sai phép, vi phạm quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến yếu tố gốc và không gian văn hóa - tâm linh của di tích. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ giữa các thành viên Ban Quản lý Di tích; phát huy đầy đủ nhiệm vụ của Ban Quản lý Di tích theo quy định. Tổ chức hoạt động tham quan, dịch vụ; thu, quản lý và sử dụng nguồn thu tại Di tích đảm bảo quy định của pháp luật; chủ động phối hợp, liên kết với chính quyền, cộng đồng dân cư tại địa phương giám sát hoạt động đầu tư, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển sinh vật trong khu vực bảo vệ di tích. Đồng thời đề nghị chính quyền, nhân dân các xã liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung; Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu nói riêng; phối hợp với Ban Quản lý Di tích kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di tích, hủy hoại di sản văn hóa, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích và các hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi.
Tại buổi lễ ông: Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa làm Trưởng ban Quản lý di tích đã lên phát biểu cảm ơn và nhận nhiệm vụ.
Ông: Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa, Trưởng ban quản lý di tích phát biểu nhận nhiệm vụ
Việc thành lập Ban Quản lý Di tích và Danh thắng trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là một bước đi cụ thể nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính, đồng thời xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Thành lập Ban quản lý Di tích lịch sử Danh lam thắng cảnh Quốc gia địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm: Núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên) là quyết sách đúng đắn, mang tính chiến lược và định hướng lâu dài; tạo sức mạnh tổng hợp, thống nhất trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử Quốc gia địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm: Núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên)./.
Văn Hùng, Phòng Văn Hóa - Xã hội xã Tân Ninh
.